Các đảng phái chính trị ở Đức

Các đảng phái chính trị ở Đức

Khác với VN ta chỉ có duy nhất 1 đảng (đảng CSVN), Đức là một đất nước đa đảng. Từ năm 1949 đến nay có khoảng 40 đảng đã hoặc/và đang hoạt động tại CHLB Đức. Tất nhiên trong số đó có khá nhiều đảng quá nhỏ và vì vậy không đáng nói tới. Sau đây ad sẽ chỉ đề cập tới 6 đảng đang (hoặc đc dự tính là “sẽ”) có tiếng nói ở cấp liên bang (tức được dân bầu vào Quốc Hội Liên Bang Đức): đó là đảng CDU, SPD, Linke, Grüne, FDP và AfD. Khi đọc báo chí Đức các bạn sẽ hay thấy tên những đảng này.

Một vài điều dưới đây có thể là đáng quan tâm đối với các bạn du học sinh (Ví dụ: Đảng nào ủng hộ việc thu học phí, đảng nào chống đối việc thu học phí, và đảng nào nắm quyền ở những tiểu bang nào?)

Đức là một đất nước đa Đảng

1. CDU (cũng đc gọi là đảng “Đen”)

– tên đầy đủ là Christlich Demokratische Union Deutschlands (tiếng Việt: Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức). Đây là đảng của Thủ tướng Merkel. Đảng này đc coi là bảo thủ, thuộc cánh hữu, (tuy nhiên không phải là cực hữu như kiểu đảng Đức Quốc Xã của Hitler mà khá trung dung, ôn hoà!). Hiện giờ CDU là đảng mạnh nhất nước Đức, tuy nhiên về độ lớn (tính theo số đảng viên) thì chỉ đứng thứ 2 sau SPD.

[Khi nói về chính trị, có một vài bạn hỏi mình “cánh tả/ cánh hữu” (tiếng Anh: left/right, hoặc tiếng Đức: links/rechts) là gì. Đây là thuật ngữ nói về hai lập trường chính trị đối nghịch với nhau. “Cánh hữu” được dùng để nói về lập trường bảo thủ. Các phe phái cánh hữu thường cho rằng một số trật tự xã hội và hệ thống phân cấp là không thể tránh khỏi, tự nhiên, bình thường, hoặc được mong muốn. Phe cánh hữu thường bao gồm những người theo chủ nghĩa tư bản, chống Cộng, chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa dân tộc, cực đoan hơn thì là chủ nghĩa phát xít. Ngược lại, “cánh tả” là những phe phái cấp tiến, phản đối sự bất bình đẳng trong xã hội. Phe cánh tả thường bao gồm những người theo chủ nghĩa chống tư bản, chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội, chính trị xanh hoặc chủ nghĩa cộng sản. Ở Đức, Cộng Sản thường đc coi là cực tả, tuy nhiên không bị kì thị như tại Mỹ.]

Điều này có thể các bạn du học sinh sẽ quan tâm: Phần lớn đảng CDU ủng hộ việc thu học phí đại học. Tới giờ tất cả các bang đã từng thu học phí đều nằm dưới quyền những chính quyền tiểu bang với sự tham dự của CDU (trong thời gian thu học phí).

Fun fact: Đảng CDU có mặt tại tất cả các tiểu bang – trừ Bayern. Tuy nhiên bù lại, tại Bayern đảng “anh em” của CDU là đảng CSU đã liên tục nắm quyền từ năm 1957 – tức 50 năm liên tiếp!

 2. SPD – Sozialdemokratische Partei Deutschlands

(đảng dân chủ xã hội Đức, hay cũng gọi là đảng “Đỏ”): Đây là đảng lâu đời nhất của Đức, được lập nên từ năm 1863, trước cả khi nước Đức đc thống nhất thành Đế quốc Đức vào năm 1871. Thời xưa, đảng SPD thường bị áp bức bởi các phe bảo thủ (vua chúa, Đức Quốc Xã) do nhiều người trong đảng theo chủ nghĩa xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho tất cả tầng lớp xã hội. Thời nay, đây (hiện tại) là đảng lớn nhất nước Đức, tuy nhiên lại không mạnh bằng CDU.

Đảng SPD – khác với đảng CDU – thuộc cánh tả. Tuy nhiên giống với đảng CDU, đảng SPD không phải là một đảng cực đoan mà theo chủ nghĩa trung dung, ôn hoà. Khác với đảng CDU, đảng SPD phản đối việc thu học phí. Từ trước tới nay, những tiểu bang nơi đảng SPD nắm quyền đều không thu học phí hoặc bác bỏ luật thu học phí của những chính phủ đi trước.

Từ năm 2013 cho đến nay, ở cấp liên bang, đảng CDU và đảng SPD cùng bắt tay liên minh để lập nên chính phủ liên bang. Vì 2 đảng này là 2 đảng mạnh nhất Đức nên khi họ bắt tay liên minh, chính phủ lập ra thường đc gọi là “Chính phủ liên hiệp lớn” (Große Koalition).

Fun fact: Khi thủ tướng Merkel của đảng CDU cho hơn 1 triệu người tị nạn vào nước Đức, nhiều người trong đảng CDU và đảng anh em CSU đã sốc và cho rằng bà đi ngược lại với đường hướng bảo thủ của đảng và đặt câu hỏi rằng liệu bà thuộc đảng CDU/CSU hay SPD?

3. Linke

Đảng Cánh Tả, cũng như SPD đây là một đảng “Đỏ” – nhưng là đỏ đậm, hehe. Đây chính xác là đảng XHCN/ Cộng Sản của Đức, và là hậu thân của đảng SED đã từng nắm độc quyền ở Đông Đức (DDR). Đảng Linke hay được coi là cực tả. Mong muốn của họ (chia đều tài sản cho tất cả mọi ng + ai cũng bình đẳng hoàn toàn trong xã hội) thường bị coi là mù quáng.

Đảng Linke luôn tự coi là đảng duy nhất đấu tranh cho tầng lớp công nhân nghèo khó, và tất nhiên là họ cực-kì-phản-đối việc thu học phí. Tại thủ đô Berlin, nơi ở cấp tiểu bang cả 2 đảng đỏ SPD và Linke thường xuyên lên nắm quyền, sinh viên chưa bao giờ bị thu học phí.

 4. Đảng Grüne = đảng Xanh

Gọi là đảng Xanh vì nội dung hoạt động chủ yếu là chính trị bảo vệ môi trường sinh thái. Đảng này cũng thuộc cánh tả, và nói mồm thì cũng kêu là phản đối việc thu học phí… Nhưng đã 2 lần khi đảng này liên minh với đảng cánh hữu CDU, họ đã cho ra đời luật thu học phí sinh viên… Mới nhất là vụ ở Baden-Württemberg.

 5. Đảng FDP

(Freie Demokratische Partei, cũng hay đc gọi là đảng “Vàng”), theo chủ nghĩa tự do. Đây cũng là một đảng cánh hữu nhưng trung dung, ôn hoà, tương tự như đảng CDU. Thường thì đảng CDU cũng hay liên minh với đảng FDP để lập nên chính phủ liên bang (nếu đảng FDP có may mắn vào được Quốc Hội Liên Bang – điều mà sau đợt bầu cử 2013 đã không xảy ra, vậy nên đảng CDU đã phải bắt tay với đảng SPD).

Có 1 người thuộc đảng FDP mà rất nhiều người Việt ta biết tới, đó là cựu Phó Thủ tướng Philipp Rösler – chính trị gia người Đức gốc Việt.

 6. Đảng AfD (Alternative für Deutschland)

màu đặc trưng là xanh da trời, tuy nhiên những người chống đảng này hay gọi họ là đảng “Nâu” – cách gọi cho Phát Xít Đức thuộc đảng Quốc Xã của Hitler thời xưa. Đảng này được coi là một đảng cực hữu, bảo thủ dân tộc 1 cách cực đoan và chống người nước ngoài. Nhờ khủng hoảng tị nạn vừa qua mà đảng này đang dần càng mạnh lên, giờ đây đã đứng thứ 3 chỉ sau SPD. Khả năng lớn là vào đợt bầu cử Bundestag năm nay, đảng AfD sẽ vào đc Quốc Hội Liên Bang Đức.

** Ngoài mấy đảng kể trên thì báo chí Đức còn hay nhắc tới đảng Piraten (giờ đã đi vào dĩ vãng) và đảng Die PARTEI (một đảng lập nên chỉ với mục đích làm trò đùa và châm biếm nhưng thế quái nào nó vẫn dành đc 1 ghế trong quốc hội Châu Âu…). Ngoài ra ở Đức cũng có một vài đảng của người nhập cư, nhưng tất nhiên là lẹt đẹt, bé xíu, và chẳng có ma nào bầu vào quốc hội cả…

Hi vọng những thông tin bổ ích dưới đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quát về các Đảng tại nước Đức!

Bài viết của của Phantastic German.

 

 

About Trangpham

0943611886

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983763526
TƯ VẤN